Close Menu

Tsukimi - tết trung thu Nhật Bản

Cẩm nang du lịch

Tsukimi có nghĩa là ngắm trăng. Ở Nhật Bản, tục ngắm trăng đã có từ ngàn năm trước và được tổ chức thành lễ hội vào mùa thu.

Lời nguyện cầu mùa thu hoạch

Lễ hội trăng rằm hay Tsukimi từ lâu đã trở thành thú vui phổ biến ở Nhật Bản. Theo truyền thống, đây là dịp để người dân Nhật Bản bày tỏ lòng biết ơn đến thần linh sau một mùa thu hoạch bội thu và cầu nguyện điều tốt đẹp cho mùa vụ sau. Theo âm lịch, trăng tròn xuất hiện vào đêm thứ 15 mỗi tháng. Đêm trăng đẹp nhất hằng năm là đêm 15 tháng 8 âm lịch, được gọi là jugoya no tsukimi, đây là cũng là thời gian tổ chức Tsukimi. Năm nay, lễ hội Tsukimi được tổ chức vào ngày 13/09/2019.

Tục ngắm trăng jugoya ở Nhật Bản chịu ảnh hưởng từ Tết Trung Thu bắt nguồn từ Trung Quốc vào thời nhà Đường (618 – 907). Các quý tộc thời kỳ Nara (710 – 794) và Heian (794 – 1185) rất thích những bữa tiệc ngắm trăng, họ sẽ tổ chức chơi nhạc và thi sáng tác thơ ca. Vào thời Edo (1603 – 1868), tsukimi dần trở nên phổ biến với cả những người dân bình thường, và các hoạt động lễ hội mùa thu truyền thống cũng có liên mối liên hệ chặt chẽ với việc dâng cúng lúa mới cho các vị thần.

Trang trí dịp Tsukimi

Người Nhật Bản thường có thú vui tụ tập ngắm trăng dưới mái hiên hoặc bên cửa sổ, gọi là tsukimidai. Vào dịp này, người Nhật chuẩn bị bánh gạo, gọi là tsukimi dango, và các loại bánh làm từ khoai môn, và trang trí với cỏ bông bạc susuki. Một số gia đình cũng chuẩn bị thêm bàn trà đạo cùng bình hoa ikebana.

1. Thỏ giã gạo

Tại Nhật Bản, hình ảnh trên mặt trăng được hình dung thành chú thỏ giã bánh gạo mochi, thay vì Chú Cuội ngồi gốc đa trên cung trăng thường thấy trong văn hóa Việt Nam.

2. Tsukimi-dango

Bánh gạo tsukimi dango tượng trưng cho trăng tròn. Người Nhật Bản quan niệm hình tròn của bánh tsukimi dango tương ứng với những điều tròn đầy, tốt đẹp; họ ăn tsukimi dango với ý niệm cầu mong sức khỏe và hạnh phúc. Một dĩa bánh tsukimi dango thường được xếp thành 3 tầng: tầng 1 xếp 9 viên, tầng 2 xếp 4 viên, tầng 3 xếp 2 viên; tổng cộng là 15 viên, tượng trưng cho đêm thứ 15 của tháng. Một số khác xếp dĩa bánh tsukimi dango với 12 viên, với mỗi viên tượng trưng cho một tháng của năm.

3. Susuki

Cỏ bông bạc susuki thường được bó lại thành từng bó với 5 hoặc 10 cành, đại diện cho hình ảnh cây lúa. Người Nhật dùng các bó susuki trang trí trên bàn để cầu mong một mùa vụ bội thu.

4. Khoai môn

Khoai môn là loại củ dễ đâm chồi, thể hiện sự sinh sôi nảy nở. Người Nhật thường dùng các món ăn làm từ khoai môn vào dịp Tết Trung Thu với mong muốn cầu chúc cho gia đình được sung túc và thịnh vượng.

Các loại nông sản được thu hoạch vào mùa thu như đậu nành edamame. Hạt dẻ và bí ngô cùng được sử dụng vào lễ hội ngắm trăng, giúp bàn tiệc thêm phong phú.

Mai Ngụy (lược dịch từ nippon.com)