Ẩm thực Nhật Bản bao gồm các món ăn địa phương và các món ăn truyền thống của Nhật Bản, được phát triển và hoàn thiện qua nhiều thế kỷ cùng với sự biến chuyển của chính trị, kinh tế và xã hội.
Bữa ăn truyền thống của Nhật Bản được gọi là Washoku (和食, ẩm thực Nhật Bản truyền thống) hoặc Kappō (割烹, nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản), bao gồm cơm, súp miso và các món phụ với nguyên liệu thay đổi theo từng mùa. Các món phụ thường là các món cá, rau, dưa chua.
Hải sản là nguyên liệu để chế biến các món tươi sống nổi tiếng như sushi, sashimi; hải sản nướng cũng là món ăn phổ biến ở Nhật Bản. Đồng thời, hải sản và rau có thể được tẩm bột và chiên giòn tạo nên món tempura lạ miệng. Bên cạnh cơm, các món mì như soba và udon cũng được yêu thích. Ẩm thực Nhật Bản có những món ăn được ninh với nguyên liệu từ cá như lẩu oden, nguyên liệu từ bò như lẩu sukiyaki, nikujaga.
Ẩm thực Nhật Bản chịu nhiều ảnh hưởng của ẩm thực Trung Hoa trong quá khứ. Sang thời kỳ hiện đại, ẩm thực Nhật Bản giao thoa thêm với ẩm thực phương Tây. Các món ăn lấy cảm hứng từ nước ngoài, như ramen và gyōza từ Trung Quốc, hay mì spaghetti, cà ri, hamburger từ Châu Âu được chế biến biển thể phù hợp với nguyên liệu và khẩu vị Nhật Bản.
Theo truyền thống, người Nhật Bản đa số theo Phật giáo nên họ kiêng ăn thịt. Tuy nhiên, với sự hiện đại hóa vào những năm 1880, các món ăn chế biến từ thịt như tonkatsu và yakiniku dần trở nên phổ biến trong các bữa ăn ở Nhật Bản. Ẩm thực Nhật Bản, đặc biệt là sushi trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.
Năm 2011, Nhật Bản đã vượt qua Pháp để trở thành quốc gia có nhiều nhà hàng 3 sao Michelin nhất. Kể từ 2018, thủ đô Tokyo đã duy trì danh hiệu thành phố có nhiều nhà hàng 3 sao Michelin nhất thế giới.