Tết Trung Thu là ngày lễ phổ biến được tổ chức ở một số nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, đặc biệt tại những nơi cộng đồng người Trung Quốc sinh sống. Được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm, Tết Trung Thu ở mỗi quốc lại có một tên gọi và hình thức khác nhau.
Ở Việt Nam, Tết Trung Thu là Tết Thiếu nhi
Theo văn hóa Việt Nam, Tết Trung Thu gắn liền với câu chuyện cổ tích nổi tiếng về Hằng Nga và Chú Cuội. Vào dịp này, người Việt Nam thường chuẩn bị mâm bánh trung thu cùng một số loại trái cây mùa thu như chuối, hồng, táo, mãng cầu, mía đặt trước sân để thờ thần Mặt Trăng.
Đây cũng là dịp lễ hội dành cho trẻ em. Bọn trẻ vui chơi dưới ánh trăng, chúng sẽ tụ tập và cầm lòng đèn diễu hành quanh khu phố. Những chiếc đèn lồng với nhiều hình thù khác nhau tỏa sáng lấp lánh dưới ánh trăng càng làm cho Tết Trung Thu thêm vui nhộn và ấm áp.
Ở Trung Quốc, Tết Trung Thu là Tết Đoàn viên
Theo truyền thống Trung Quốc, Tết Trung Thu là dịp để các thành viên trở về, quây quần cùng gia đình. Mặc dù có sống và làm việc bao xa thì vào Tết Trung Thu, người Trung Quốc đều dành thời gian trở về nhà đoàn tụ cùng người thân.
Sau bữa ăn ấm cúng mang không khí gia đình, các thành viên dành cả đêm để thưởng trăng và cùng nhau ăn bánh trung thu dưới ánh đèn lấp lánh của những chiếc đèn lồng. Tại Trung Quốc, một trong những hoạt động quan trọng nhất trong dịp này là tham gia các cuộc diễu hành với những chiếc đèn lồng đầy sắc màu và theo dõi điệu múa rồng lửa. Người Trung Quốc tin rằng Rồng Lửa sẽ mang lại may mắn và hạnh phúc cho mọi gia đình.
Ở Nhật Bản, Tết Trung Thu còn gọi là Tết Thu hoạch
Ngày nay, mặc dù Nhật Bản không thường sử dụng lịch âm như ngày xưa, nhưng họ vẫn đi chùa và tổ chức nhiều lễ hội để mừng Trung Thu, được gọi là Tsukimi.
Theo dân gian Nhật Bản, những hình ảnh trên mặt trăng được tượng hình thành Thỏ Ngọc cầm chày giã gạo. Người Nhật thường làm bánh gạo Tsukimi dango để ăn mừng Tết Trung Thu, họ tin rằng đây là món yêu thích của Thỏ Ngọc. Bên cạnh đó, người Nhật Bản cũng chuẩn bị khay bánh lễ đặt gần cửa sổ với rất nhiều loại bánh đầy màu sắc, cùng dưa hấu, hạt dẻ.
Ở Hàn Quốc, Tết Trung Thu là Lễ Tạ ơn
Tết Trung Thu ở Hàn Quốc được biết đến với tên gọi Chuseok hay Lễ Tạ ơn, được tổ chức từ đêm trung thu (15 tháng 8 âm lịch) và kết thúc vào ngày hôm sau.
Vào lễ Chuseok, các thành viên sinh sống và làm việc ở nơi xa sẽ trở về nhà truyền thống và cùng nhau thưởng thức bánh songpyeon (bánh gạo hình mặt trăng) và sindoju hoặc dongdongju (một loại rượu của Hàn Quốc).
Vào sáng sớm hôm sau, tất cả thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau chuẩn bị bữa ăn để thờ cúng tổ tiên. Sau đó cả gia đình đến nghĩa trang thăm viếng mộ tổ tiên. Ở mỗi khu vực khác nhau sẽ có những phong tục khác nhau, tuy nhiên nhìn chung đây là dịp người Hàn Quốc hướng về nguồn cội và thể hiện sự biết ơn của mình đến thế hệ trước.